BLOG TÌM HIỂU VỀ NƯỚC HOA
NƯỚC HOA LÀ GÌ
Nước hoa là hỗn hợp các chất tạo mùi như tinh dầu, chất thơm, chất hãm hương (lưu hương), và dung môi hòa tan. Dùng để tạo ra cho cơ thể người, con vật, đồ vật hay không gian một mùi hương dễ chịu. Các thành phần của nước hoa có thể được tổng hợp nhân tạo hoặc chiết xuất từ thực vật và động vật.
Trên khía cạnh hóa học, nước hoa là một hợp chất gồm alcohol, nước lã và những phân tử có mùi thơm bốc hơi ở nhiệt độ bình thường. Một mùi hương là những phân tử nhẹ để có thể lơ lửng trong không khí lọt vào mũi và theo đó, gửi một tín hiệu lên óc, tạo ra nhận thức.
CẤU TẠO CỦA NƯỚC HOA:
Nước hoa bao gồm tinh dầu (parfum oil), nước lã và alcohol. Thành phần chính là tinh dầu tự nhiên thu được qua các quá trình chưng cất hay tách ra bằng hóa học từ thực vật hoa hay trái cây…
Những mùi hương cơ bản
– Mùi hoa
– Mùi trái cây
– Mùi lá cỏ
– Mùi dược thảo ( rút ra từ các vị thuốc bắc)
– Mùi gỗ
– Mùi nhựa cây
– Mùi hơi người
– Mùi xạ hương (rút từ hạch thuộc bộ phận sinh dục loài thú)
– Hương liệu (gồm nhựa thông và gia vị)
Cấu trúc phân tử của mùi hương
– Aldehydic: nhờn nhưng làm tỏa các mùi khác
– Lactonic: sệt và có mùi trái chín
– Phenolic: mùi khét của nhựa.
Có khoảng 1000-1200 loài hoa khác nhau và được cất ra tinh dầu; Vỏ, rễ, quả, nhựa và lá cây đều có thể làm được nước hoa nhưng phổ biến nhất là cam và chanh. Ngoài ra một số thành phần khác như: Cassi, Gạo Basmati, Đàn Hương. Hoắc Hương, Hổ Phách, Xạ hương, Lá cây Thường Xuân, Hạt Hồi, Rễ Huệ Tím, Cỏ Thần, Đậu Tonka, Vani, Nhựa Thơm, Hoa cam thảo, Cánh kiến trắng,…tạo cho mỗi loại nước hoa những mùi đặc trưng quyến rũ : nồng nàn, nhẹ nhàng, bí ẩn, gợi cảm, lãng mạn hay sang trọng..
Sau đó, chúng được kết hợp với các chất gây bay mùi mà thành phần là dung dịch cồn, trong ấy lượng cồn chiếm đáng kể (thường là cồn 700) bôi một ít nước hoa trên da, ta thấy mát lạnh, là do cồn bốc hơi thu lấy nhiệt. Trong nước hoa còn có chất tạo màu đặc biệt còn có chất có mùi thơm và giữ mùi được lâu gọi là chất định hương.
Chất định hương là gì?
Chất định hương chiếm vị trí vô cùng quan trọng để cố định hương cho thành phần hỗn hợp nước hoa giữ mùi được rất lâu. Thường sử dụng nhất là xạ hương, long duyên hương. Xạ hương được lấy từ túi xạ là tuyến nằm cạnh cơ quan sinh dục đực của hươu xạ. Xạ hương có mùi rất bền và thuộc loại hương liệu cao cấp.
Còn long duyên hương (còn gọi long diên hương) là sản phẩm tiêu hóa có trong ruột của một loài cá voi được bài tiết nổi trên mặt biển và được vớt lên để chế biến. Mỗi loại nước hoa có một mùi đặc trưng, nhưng không chỉ chứa một loại tinh dầu mà là một tập hợp nhiều loại tinh dầu (mà mỗi hãng sản xuất giữ bí mật) theo một tỉ lệ nhất định để cuối cùng cho một mùi trội nhất.
Chính vì hai chất định hương này khó tìm , nên chúng rất quý hiếm và do đó vì sao nước hoa thật lại có giá trị rất cao!
Lớp hương của nước hoa
Thành phần của bất cứ loại nước hoa nào cũng được chia làm 3 lớp, và mỗi lớp được gọi bằng tên chuyên ngành là “note”: Top (đỉnh), Middle (giữa) và Base (nền). Top note là mùi hương bạn ngửi thấy ngay khi sau khi xức và phần nhiều là alcohol. Phần body được xem là middle note, và là trái tim của nước hoa. Còn base note chính là phần tạo nên mùi hương độc đáo duy nhất cho loại nước hoa bạn đang sở hữu.
*Nốt hương đầu (top notes, head notes): mùi hương bật ra ngay lập tức (vài giây sau khi xịt), tạo ấn tượng quan trọng đầu tiên cho người sử dụng. Chứa những mùi nhẹ, dễ bay hơi, và nhanh phai mùi như mùi hoa, trái cây. Lớp này lưu mùi trong khoảng 10 phút sau khi xịt. Các mùi hương tìm thấy ở lớp này bao gồm greens, citrus, powdery undertones, và delicate florals.
*Nốt hương giữa (middle notes, heart notes): Khoảng 10-20 phút sau khi bạn bắt đầu xức cho đến 1 tiếng rưỡi, mùi hương của lớp giữa này bắt đầu lên tiếng (sau khi nốt hương đầu tiêu tán), tạo mùi hương chính và đặc trưng của nước hoa nên lưu mùi khá lâu. Đây là khi mùi hương đã nhẹ trút bỏ lớp mùi sắc sảo ban đầu và trở nên dịu ngọt hơn, tạo nên ấn tượng đậm nhất. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta coi lớp giữa này như “Trái tim” của nước hoa, và khi mùi hương của lớp này xuất hiện thì sự hiện diện của chất cồn gần như đã bay hơi mất tăm. Lớp giữa này chứa nhiều hương hoa cỏ (rich florals) và gia vị.
*Nốt hương cuối (base note): Nốt hương cuối kết hợp với nốt hương giữa trở thành mùi hương chính của lọ nước hoa. Nốt hương cuối đem lại cảm giác trầm lắng và đậm đặc, lưu mùi rất lâu và mạnh, thường chứa mùi của gỗ, xạ hương và nhựa thông.. Sau 1 tiếng rưỡi cho đến 2 tiếng thì mùi hương bạn “nghe” được lúc này là “giọng” của lớp nền. Đây là lớp chịu trách nhiệm đưa ra mùi hương đặc trưng sau khi đã hòa quyện cùng các phân tử mùi khác có trên da của bạn và cùng sự kết hợp với lớp “Trái tim”, từ bạn sẽ tỏa ra mùi hương ngất ngây tinh tế. Vì thế không có gì lạ nếu lớp này thường sâu hơn và giàu hơn so với mùi hương ban đầu.
Nốt hương đầu và giữa chịu ảnh hưởng của nốt hương cuối. Cũng như vậy, mùi hương của nốt cuối có thể bị bẻ cong khi kết hợp với nốt hương giữa. Các nhà sản xuất thường ghi chú những nguyên liệu họ sử dụng trong các nốt hương cũng như thời gian lưu hương theo từng bậc (ở điều kiện chuẩn thí nghiệm của họ).
Các phân tử mùi nhờ vào lớp này để gắn kết với nhau và đem lại độ tuyệt hảo cũng như uy lực ma thuật của nước hoa. Warm woods và các loại thuốc hãm (fixative) như tuyết tùng (cedarwood), đàn hương (sandalwood) và vanilla thường được tìm thấy ở lớp cuối này.
Ví dụ về nốt hương:
CHANEL COCO MADEMOISELLE Eau de Parfum
Top Notes: Bergamot Orange, Mandarin, Tunisian curacao.
Middle Notes: Morning Rose, Italian Jasmine, Ylang-Ylang, Mimosa, Florentine Iris.
Base Notes: Indonesian Patchouli, Haitien Vetiver, Bourbon Vanilla, White Musk, Opoponax, Tonka Bean.
PHÂN LOẠI NƯỚC HOA
Nước hoa hiện đại được làm từ rất nhiều thành phần khác nhau nên cách duy nhất để tìm thấy mùi hương bạn yêu thích là phân loại chúng. Đó là lý do tại sao chúng ta có các mùi hương hoa nhẹ, hương gỗ, hương lá cây, mùi hương của đại dương, mùi trái cây và mùi hương bí ẩn của phương Đông.
Nước hoa cũng có sự khác biệt về nồng độ nên loại nhẹ nhất, nhanh bay hơi nhất là nước hoa Colognes, loại chỉ có 5% tinh chất và loại giữ mùi lâu nhất có nồng độ 20%- 40% tinh chất nước hoa.
Nồng độ tinh dầu
Trên mỗi 1 chai nước hoa thường xuất hiện dòng chữ: “Perfume”, “Eau de Perfume”, “Eau de Toilet”, “Eau de Cologne”, “Eau Tender”, “Eau Fraiche” đây chính xác là dấu hiệu để phân biệt nước hoa và lý do mức giá của nó lại không giống nhau. Một số nước hoa được dán mác “perfume” tức là loại “nặng mùi” nhất, “toilet water” sẽ có mùi nhẹ hơn một chút và nhẹ nhất là “cologne spray”.
Nước hoa sẽ phụ thuộc vào phần trăm thành phần tinh dầu có trong và độ phai mùi nhiều hay ít, và như vậy ta có bảng phân loại sau:
Perfume (Extrait): với hàm lượng tinh dầu từ 20-40%
Đây là loại nước hoa đắt tiền nhất và hiếm nhất vì nồng độ tinh dầu rất cao, đồng nghĩa với việc mùi hương rất nồng và bền.
Eau De Perfume (EDP) : với hàm lượng tinh dầu từ 12-20%
Loại nước hoa đắt thứ nhì sau EDPvà chủ yếu dành cho phái nữ, với nồng độ tinh dầu cao, nồng nàn và bền mùi. Là dạng nước hoa phổ biến hiện nay, sử dụng hợp với những vùng khí hậu khô, hay mùa lạnh.
Eau De Toilette (EDT) : có hàm lượng tinh dầu từ 5-12%
Loại nước hoa phổ biến nhất và được nhiều người ưa chuộng hiện nay trên thế giới,với giá cả phải chăng và chất lượng mùi hương trung bình. Đa dạng về mẫu mã, chủng loại hay nhà sản xuất. Đây là loại nước hoa với mùi nhẹ nhàng, khá bền mùi, và được dành cho cả nam và nữ.
Eau De Cologne (EDC) hay Eau Fraiche: chỉ có 2-5% tinh dầu;
Thương hiệu : “Original Eau de Cologne” ra đời lần đầu tiên ở thành phố Cologne-Đức, sau đó lan rộng ra toàn thế giới. Mùi nhẹ, khả năng giữ mùi kém, phù hợp với túi tiền “bình dân”. Eau Fraiche hay Splash Cologne: Loại mau phai mùi nhất do thành phần tinh dầu chỉ chiếm từ 1-3%. Loại này dành riêng cho những ai chuộng sự tinh tế và thanh nhã.
KẾT
Nước hoa được coi là thứ thần dược tăng sự hấp dẫn giữa đàn ông và phụ nữ trong thế giới hiện đại. Đó là chất xúc tác cho những rung cảm qua sự cảm nhận mùi hương từ cơ thể. Chúng không chỉ hiện hữu để sử dụng trong việc tạo mùi mà đó còn là một nghệ thuật đến từ hương liệu.